Sau một khoảng thời gian, bạn thấy cơ thể có sự thay đổi. Có vẻ như mình đã mang thai? Kèm theo hiện tượng trễ kinh là một số những dấu hiệu bất thường khác. MonMom sẽ bật mí một số dấu hiệu xem có phải bạn đang có tin vui hay không nhé.

DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐÃ MANG THAI
-
Táo bón
Nếu bạn mới mang thai, tình trạng táo bón có thể là triệu chứng đầu tiên mà bạn dễ dàng nhận thấy. Nguyên nhân gây ra vấn đề này xuất phát từ sự gia tăng của hormone progesterone, giúp thư giãn các cơ quan trơn trên khắp cơ thể, bao gồm cả đường tiêu hóa. Điều này khiến cho thức ăn đi qua ruột chậm hơn và dẫn đến tình trạng táo bón. Để khắc phục, hãy chắc chắn bạn uống đủ lượng nước mà cơ thể cần (2 – 2,5 lít/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây.
-
Thay đổi tâm trạng
Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều thay đổi tâm trạng ít nhiều. Điều này một phần là do sự thay đổi nội tiết của cơ thể người phụ nữ, làm ảnh hưởng đáng kể đến chất dẫn truyền thần kinh – được xem là sứ giả hóa học trong não.
Ngoài ra, mỗi người sẽ có các phản ứng khác nhau đối với những thay đổi này. Một số người sắp làm mẹ có thể trải qua các cung bậc cảm xúc cao độ, bao gồm cả cảm xúc tốt lẫn xấu; trong khi nhiều người khác lại cảm thấy chán nản hoặc lo lắng thường trực.
Nếu bạn đang cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng hoặc không thể đối phó với những trách nhiệm hàng ngày của mình, thậm chí có ý định tự làm tổn hại đến bản thân, tốt nhất hãy báo ngay cho chuyên gia sức khỏe ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến vấn đề này.
-
Đầy hơi
Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể trong giai đoạn đầu mang thai có thể khiến bạn bị đầy hơi. Tình trạng này đôi khi tương tự như cảm giác của một số phụ nữ ngay trước kỳ kinh nguyệt. Đây cũng là lý do tại sao bạn cảm thấy quần áo trở nên chật hơn bình thường, nhất là phần vòng eo, ngay cả khi tử cung của bạn vẫn còn khá nhỏ.
-
Thường xuyên đi tiểu
Ngay sau khi bạn thụ thai, những thay đổi về nội tiết tố sẽ dẫn đến một chuỗi các tác nhân làm tăng tốc độ lưu thông máu qua thận trong cơ thể. Điều này khiến cho bàng quang của bạn đầy nhanh hơn, vì vậy bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Tình trạng đi tiểu thường xuyên sẽ tiếp tục hoặc tăng tần suất khi thai kỳ của người phụ nữ tiến triển hơn. Lượng máu của bạn cũng tăng lên đột ngột khi mang thai, dẫn đến lượng chất lỏng được xử lý và kết thúc trong bàng quang của bạn. Vấn đề còn phức tạp hơn khi thai nhi đang lớn dần lên trong bụng mẹ và tạo ra nhiều áp lực hơn lên bàng quang.
-
Buồn nôn:
Đối với một số phụ nữ, ốm nghén không xảy ra cho đến khoảng một hoặc hai tháng sau khi thụ thai. Tuy nhiên, ở một số người khác, nó có thể bắt đầu sớm nhất là khoảng 2 tuần.
Cảm giác buồn nôn liên quan đến thai nghén (kèm theo hoặc không nôn) có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào, có thể là buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi tối.
Hầu hết tình trạng buồn nôn ở phụ nữ mang thai sẽ giảm hẳn vào đầu quý thứ hai. Một số trường hợp có thể phải mất tới một tháng hoặc lâu hơn để giảm bớt cảm giác này, cũng có một số ít may mắn thoát khỏi nó hoàn toàn.
-
Mệt mỏi
Tình trạng mệt mỏi khi mang thai sớm có thể bắt nguồn từ sự gia tăng nhanh chóng của nồng độ hormone progesterone trong cơ thể, góp phần khiến bạn luôn cảm thấy buồn ngủ. Ngoài ra, hiện tượng ốm nghén và phải đi tiểu đêm thường xuyên cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ và chậm chạp hơn.
Khi bước vào kỳ tam cá nguyệt thứ hai, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng hơn. Tuy nhiên, sự mệt mỏi vẫn thường xuất hiện vào cuối thai kỳ khi cân nặng của bạn tăng lên, kèm theo cảm giác khó chịu phổ biến khi mang thai khiến bạn khó có được giấc ngủ ngon.
Xem thêm: Chia sẻ 3 bước phản ứng nhanh khi bị vỡ ối sớm mẹ nên biết
-
Đau ngực
Một trong những triệu chứng phổ biến khác khi mang thai ở phụ nữ là tình trạng ngực sưng và nhạy cảm hơn do lượng hormone tăng cao. Cảm giác đau và sưng ở ngực cũng có thể tương tự như những gì mà bạn cảm thấy trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này sẽ giảm đi đáng kể sau kỳ tam cá nguyệt đầu tiên, khi cơ thể bạn đã thích nghi với những thay đổi nội tiết tố.
-
Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc lấm tấm
Hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ có thể là điềm báo mang thai sớm ở phụ nữ. Nếu bạn chỉ nhìn thấy những đốm máu màu hồng trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt, đó có thể là máu báo thai. Điều này xảy ra do trứng đã thụ tinh lắng xuống niêm mạc tử cung của người phụ nữ, dẫn đến chảy máu âm đạo.
Theo nghiên cứu, có khoảng 1⁄4 phụ nữ bị ra máu lấm tấm hoặc ra máu nhẹ trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng đôi khi đó có thể là dấu hiệu của sự sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn bị chảy máu âm đạo nhiều, hoặc kèm theo cảm giác đau và choáng váng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và khắc phục kịp thời.
-
Trễ kinh
Nếu kinh nguyệt của bạn đến khá đều đặn, nhưng đột ngột bị trễ, bạn nên thử thai trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê bên trên. Tuy nhiên, nếu chu kỳ của bạn thường không đều, hoặc bản thân bạn không theo dõi chặt chẽ chu kỳ của mình, kèm theo đó là những triệu chứng như buồn nôn, căng tức ngực và đi tiểu thường xuyên thì khả năng cao bạn đang mang thai trước khi nhận ra mình bị trễ kinh.
-
Thay đổi khẩu vị
Khẩu vị của bạn trở nên bất thường. Có những món ngày thường bạn không thích nhưng bây giờ lại cảm thấy ngon miệng lạ thường. Ngược lại có những món ăn yêu thích lại vào ngay “blacklist” vì mùi của nó lại làm bạn khó chịu. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đã mang thai.
-
Vị giác thay đổi
Một trong những dấu hiệu mang thai sớm là biểu hiện loạn vị giác khiến nhiều người cảm giác như mình ngậm tiền kim loại trong miệng. Mùi vị kỳ lạ này tồn tại dai dẳng trong miệng, đọng lại sau ăn 1 – 2 giờ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nồng độ estrogen tăng khi mang thai có ảnh hưởng đáng kể đến vị giác của chúng ta.
Thông thường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi qua giai đoạn đầu của thai kỳ lúc nội tiết tố đã ổn định và cơ thể đã “quen” với sự xuất hiện của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, một số mẹ bầu cảm thấy chứng loạn vị giác này kéo dài suốt thai kỳ, và phải học cách sống chung với nó.
-
Nhiệt độ cơ thể tăng, nhạy cảm với nhiệt độ
Lượng hormone progesterone tiết ra khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, giống với biểu hiện trong những ngày rụng trứng nên có không ít chị em nhầm lẫn.
Sáng nay, bạn thấy lạnh cóng lúc vừa thức dậy, nhưng chỉ nửa giờ sau lại khó chịu vì quá nóng. Đừng ngạc nhiên vì hiện tượng này, sự nhạy cảm với nhiệt độ cũng là biểu hiện của việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai.
LƯU Ý KHI CÓ DẤU HIỆU MANG THAI
Mỗi người sẽ có những dấu hiệu mang thai khác nhau, nhưng nhìn chung đều sẽ có ít nhất 1 trong 12 dấu hiệu trên. Thời gian 3 tháng đầu là thời kỳ nhạy cảm, quan trọng trong quá trình mang thai, vì vậy nếu xuất hiện dấu hiệu và cảm thấy bản thân có khả năng đã mang thai, cần cẩn trọng trong sinh hoạt. Bên cạnh đó bạn có thể mua que thử thai về thử trước hoặc đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm.
MonMom đồng hành cùng mẹ trên hành trình chăm sóc con khỏe mạnh.