Ăn dặm là bước đệm quan trọng trong sự phát triển toàn diện về khả năng ăn uống sau này của trẻ. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn băn khoăn không biết ăn dặm thế nào cho đúng? Có nên cho trẻ ăn dặm sớm hay không?

1. Những lí do mẹ không nên cho bé ăn dặm sớm
- Bé chưa đủ sức tiêu hóa
Nếu ăn dặm sớm, bé chưa đủ sức tiêu hóa hết những thực phẩm mà bạn cho ăn. Dưới 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, không tiết ra đủ chất nhầy, dịch tiêuh óa, thiếu các enzyme như amylase (phân cắt tinh bột), protease (đạm) và lipase (chất béo).
- Bé dễ bị sặc, nghẹn
Ở độ tuổi chưa sẵn sàng ăn dặm, sự hoạt động của các cơ hàm, lưỡi, hầu, họng chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn. Bé dễ bị sặc khi uống nước và nghẹn khi ăn thực phẩm đặc do lưỡi chưa đẩy được thực phẩm vào đúng đường tiêu hóa. Phản xạ nuốt cũng chưa được điều hòa. Ngoài ra bé có thể bị thực phẩm tràn vào đường thở, gây tắc nghẽn rất nguy hiểm.
- Thiếu nhiều dưỡng chất
Tuy còn nhỏ nhưng bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, cần được cung cấp đầy đủ. Nếu ăn dặm sớm, lượng sữa mẹ nạp vào giảm sẽ khiến bé bị thiếu nhiều dưỡng chất.
- Dễ bị bệnh đường hô hấp
Khi ăn dặm sớm, hệ hô hấp của bé dễ bị nhiễm bệnh do thực phẩm tràn vào đường thở. Thiếu kháng thể từ sữa mẹ, trẻ dễ phát sinh dị ứng với thực phẩm lạ, thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng làm kích thích miễn dịch không đầy đủ. Bé sẽ dễ nhiễm cúm, ho, sốt và viêm đường hô hấp trên.
- Thận chưa đủ sức lọc
Nếu cho ăn dặm sớm, hệ tiêu hóa của bé không đủ sức phân cắt hết protein, lipid thành các mảnh nhỏ để cơ thể sử dụng. Vì thế thận sẽ làm việc quá sức nếu bé ăn những thực phẩm giàu protein, lipid và gây cặn lắng ở thận.
- Ăn no quá mức
Do còn quá nhỏ, bé chưa biết từ chối ăn. Thế là mẹ cứ cho bé ăn no quá mức. Hệ quả của trường hợp này là bé khó thở, dễ nôn trớ, trào ngược, hay bị viêm mũi họng và viêm thực quản do thực phẩm trào ngược gây ra.
- Dễ bị rối loạn tiêu hóa
Ăn dặm sớm, bé bị thiếu dịch và men tiêu hóa nên thực phẩm không được tiêu hóa đầy đủ. Bé ăn gì sẽ tiêu ra nấy hoặc bị tiêu chảy. Có trẻ do ít dịch tiêu hóa nên phân đóng kết và dẫn tới táo bón.
- Tổn thương dạ dày
Dạ dày của bé còn non nớt, lớp niêm mạc bề mặt và lớp dịch nhầy bảo vệ mỏng. Nếu cho bé ăn dặm sớm, khi dạ dày co bóp, thực phẩm đặc có kết cấu hoàn toàn khác sữa cọ xát vào thành dạ dày gây tổn thương. Điều này dễ dẫn đến các bệnh lý của dạ dày khi bé đến tuổi trưởng thành.
- Chậm lớn
Bé không thể hấp thu dinh dưỡng triệt để từ thức ăn nên sẽ bị thiếu dưỡng chất cần thiết. Đồng thời bé cũng sẽ dễ bị bệnh. Kết hợp cả hai điều này sẽ khiến bé chậm lớn hơn bình thường.
- Nguy cơ bệnh lý tương lai
Việc ăn dặm sớm cò thể khiến bé bị ezecma, hen, dị ứng thực phẩm. Do lớp màng hấp thu của ruột chưa hoàn chỉnh nên sẽ hấp thu y nguyên các phân tử protein, kích thích các phản ứng dị ứng thực phẩm và các bệnh liên quan như hen, ezecma. Mặt khác, thực phẩm dị ứng gây kích thích các phản ứng kháng lại insulin dẫn đến tiểu đường.
Xem thêm: Có nên cho muối vào đồ ăn dặm của trẻ? Lượng muối đủ là gì?
2. Khi nào nên cho trẻ ăn dặm?
Trong những tháng đầu đời, bé chỉ cần được bú sữa mẹ là đã đủ chất dinh dưỡng và không cần ăn thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Trẻ bước vào tháng thứ 6, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng cho bé nữa. Theo đó, bé cần được bổ sung chất từ thực phẩm. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, từ 6 tháng tuổi đối với trẻ phát triển tốt, có thể bắt đầu ăn dặm.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí não và nhận thức của bé. Các chuyên gia khuyên mẹ nên cho bé bú đến 12 tháng tuổi hoặc tới khi bé 24 tháng tuổi.
3. 4 nhóm thực phẩm cần cho bé ăn dặm

Ngoài việc khi nào nên cho trẻ ăn dặm, mẹ cần quan tâm đến nguyên tắc ăn dặm cho trẻ. Cho trẻ ăn dặm phải tuân thủ nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.
- Nhóm tinh bột:
Cung cấp năng lượng cho cơ thể, tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào. Chiếm 50%-60% tổng nhu cầu năng lượng trong ngày của trẻ. Mẹ nên chọn loại gạo không dính để nấu cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ ăn gạo nếp bởi gạo nếp dẻo bé nuốt rất khó. Ngoài ra mẹ có thể lựa chọn bột ngô.
- Nhóm chất đạm:
Thực phẩm giàu đạm thường gặp trong bữa ăn hàng ngày được chia thành 2 nhóm nhỏ là đạm có nguồn gốc động vật (đạm cung cấp từ thịt, cá, tôm…) và đạm có nguồn gốc thực vật (đạm cung cấp từ các loại đậu, đỗ, lạc)…
1 tuần mẹ nên cho trẻ ăn 2-3 bữa đạm thực vật.
- Nhóm chất béo:
Chất béo có nguồn gốc động vật: mỡ heo, mỡ bò, mỡ dê….Chất béo có nguồn gốc thực vật: dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương. Cung cấp đủ sẽ giúp cho trẻ phát triển trí não tốt, chất béo là dung môi giúp cơ thể hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K.
Mẹ nên thay đổi cho trẻ ăn 1 bữa dầu ăn hoặc 1 bữa mỡ động vật.
- Nhóm cung cấp vitamin và khoáng chất:
Rau, củ, quả, trái cây là nguồn thực phẩm cung cấp các vitamin, chất xơ, nước và một số khoáng chất cho cơ thể bé yêu. Trong đó nên ưu tiên cho con bổ sung bằng các loại rau lá.
Chia sẻ ở trên đã giúp mẹ trả lời câu hỏi có nên cho trẻ ăn dặm sớm. Mong rằng đây sẽ là những kiến thức bổ ích dành cho các mẹ nuôi con khoa học.
Mong rằng MonMom đã một phần giúp các mẹ trên hành trình chăm bé!