Cha mẹ nào cũng muốn con yêu được sinh ra khỏe mạnh. Thế nhưng tỷ lệ dị tật thai nhi ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Nguyên nhân của nó là gì? Cha mẹ có thể ngăn chặn không cho bé yêu bị mắc phải hay không?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật thai nhi bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1.73%, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ em bị dị tật bẩm sinh chào đời. Tại Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 1.5 triệu trẻ em chào đời mỗi năm, 2-3% trẻ em trong đó bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như: hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh,…

Dị tật thai nhi có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thời kỳ mang thai, nhưng chủ yếu trong 3 tháng đầu. Bởi vậy, việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng, không chỉ giúp phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi.

Tham khảo thêm: Thức ăn lợi sữa cho bà đẻ và cho mẹ mới sinh

DỊ TẬT THAI NHI LÀ GÌ?

Dị tật thai nhi là những bất thường của thai nhi xuất hiện ngay từ trong bào thai, đó có thể là các bất thường về nhiễm sắc thể, hình thái của một hay nhiều cơ quan.

Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ bị dị tật thai nhi khoảng 3%, nghĩa là cứ 33 trẻ mới sinh ra thì có 1 trẻ bị dị tật. Tất cả các trường hợp mang thai đều có nguy cơ bị dị tật thai nhi, tuy nhiên nguy cơ bị dị tật thai nhi sẽ cao hơn nếu mẹ có các yếu tố như:

  • Tuổi mẹ trên 35 tuổi, mẹ càng cao tuổi nguy cơ bị dị tật thai nhi càng cao
  • Mẹ có tiền sử mang thai dị tật, tiền sử sảy thai nhiều lần
  • Tiền sử gia đình có người bị dị tật thai nhi
  • Mẹ bị nhiễm virus trong 3 tháng đầu thai kỳ mà chưa được tiêm phòng ( Rubella, Herpes, Cytomegalovirus …) ,tiếp xúc với tia xạ, hóa chất độc hại.
  • Mẹ bị đái tháo đường, hút thuốc lá.

NGUYÊN NHÂN CỦA DỊ TẬT THAI NHI

Khám dị tật thai nhi
Khám dị tật thai nhi
  1. Thai phụ bỏ qua khám sàng lọc trước sinh

Nhiều thai phụ chủ quan nghĩ sức khỏe mình tốt, không khám sàng lọc tiền hôn nhân, không sàng lọc dị tật trước sinh đã để lại hậu quả đáng tiếc. Việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng, không chỉ giúp phát hiện dị tật thai nhi mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi. Vì vậy, đây là việc làm cần thiết cần thực hiện trước sinh giúp các mẹ phát hiện được các bệnh lý, sinh con khỏe mạnh.

  1. Cha mẹ lớn tuổi

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi và người bố từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ sinh con mắc những hội chứng dị tật bẩm sinh cao hơn những người ít tuổi.

Đối với người bố, từ 50 tuổi trở lên mặc dù vẫn còn khả năng sản sinh tinh trùng nhưng ở độ tuổi này, tinh trùng dễ bị lỗi (yếu, không có đuôi, dị dạng,…) dẫn đến những bất thường gây nên bệnh di truyền cho thai nhi. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ được sinh ra khi người bố từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ bị suy yếu não, chỉ số IQ thấp,…gấp 6 lần so với những người bố sinh con trong độ tuổi 30.

  1. Cha mẹ mắc bệnh dị tật hoặc tiền sử sinh con bị dị tật

Khi bố mẹ mắc bệnh di truyền hoặc khỏe mạnh nhưng trong gia đình có tiền sử dị tật bẩm sinh hoặc mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non, thai dị dạng… thì khả năng cao những bệnh di truyền đó gặp ở thai nhi.

Cũng tùy vào những bất thường di truyền của bố mẹ mà xác định được xác suất thai nhi có thể mắc phải trước những hội chứng di truyền đó. Điều này có thể gây sảy thai, lưu thai hoặc thai nhi sinh ra sẽ có nguy cơ mắc phải những hội chứng dị tật bẩm sinh khi sinh ra.

  1. Thai phụ mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai

Khi mang thai mẹ nhiễm các virus Herpes, Rubella, Cytomegalo,… trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ khiến trẻ dễ mắc các dị tật, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Mẹ bị đái tháo đường, Lupus ban đỏ trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh.

  1. Thai phụ tiếp xúc hóa chất, phóng xạ, chất độc hại trong quá trình mang thai

Việc mẹ bầu tiếp xúc với một số loại thuốc và các hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, rượu, thuốc lá và chất phóng xạ…) trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai nhi bị ảnh hưởng và mắc dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, làm việc hoặc sống gần các khu vực chất thải, lò luyện kim hoặc hầm mỏ cũng có thể là một rủi ro lớn.

Đặc biệt, mẹ bầu không biết mình mang thai mà vô tình chụp X – quang, tia X được xác định có thể gây dị tật thai nhi nghiêm trọng. Tại các phòng chụp X – quang thường có khuyến cáo rất rõ ràng người đang mang thai không được vào phòng chụp.

  1. Tự ý sử dụng thuốc mà không có liều lượng chỉ định của bác sĩ

Đây là nguyên nhân các mẹ bầu thường gặp nhất, khi ốm thường tự uống thuốc theo kinh nghiệm cho nhanh khỏi mà ít ai biết đó là sai lầm. Khi nào có những dấu hiệu bị ho, viêm họng, cảm cúm hay sốt khi đang mang thai thì mẹ bầu đều nên đi thăm khám để được điều trị và uống thuốc an toàn. Uống thuốc không chỉ định của bác sĩ có thể tác động rất xấu đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý uống thuốc trong thai kỳ mà không được sự cho phép của bác sĩ.

  1. Thai phụ căng thẳng, mệt mỏi

Đây là nguyên nhân ít mẹ bầu nào để ý tới. Thời kỳ mang thai thể chất, tinh thần và cuộc sống đều thay đổi nên mẹ bầu cần lưu ý. Khi mẹ bầu stress, hay lo âu, buồn rầu thì thai nhi cũng dễ mắc các bệnh như: hở hàm ếch, sứt môi,…

Bạn có thắc mắc? MonMom luôn sẵn sàng trả lời bạn