Ăn dặm là quá trình chuyển giao có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bước phát triển của trẻ, giúp trẻ có thể chuyển dần từ việc hấp thụ thức ăn dạng lỏng (sữa mẹ, sữa công thức) sang thức ăn dạng thô, đặc như người lớn. Vậy phải làm thế nào để trẻ hứng thú và dễ dàng làm quen với thức ăn thô? Trả lời cho câu hỏi này, đã có rất nhiều bà mẹ lựa chọn túi nhai (baby food feeder) như một “bảo bối” giúp cho việc ăn dặm của con dễ dàng hơn.

TÚI NHAI ĂN DẶM LÀ GÌ?
Túi nhai là một dụng cụ dạng túi có hình dáng như núm vú giả, phần thân túi có nhiều lỗ rải đều giúp nước và bột từ thức ăn đựng bên trong có thể dễ dàng lọt qua khi bé nhai túi. Túi nhai thường được làm bằng chất liệu silicone hoặc dạng túi lưới. Để sử dụng túi nhai, bố mẹ chỉ cần cắt nhỏ thức ăn dạng mềm, cho vào túi và để bé tự cầm nhai. Ngoài ra mỗi túi nhai còn có nắp đậy, thuận tiện cho bố mẹ trong việc vệ sinh và đảm bảo an toàn cho thức ăn.
BÉ THẬT SỰ “NHAI” KHI DÙNG TÚI NHAI DẶM?
Mặc dù hỗ trợ bé trong quá trình ăn dặm nhưng túi ăn dặm cũng làm mất đi tính chủ động của bé khi tiếp cận với thức ăn. Không được tự cầm nắm thức ăn nên trẻ không thể cảm nhận được hình dáng, màu sắc cũng như cảm nhận rõ mùi vị của thức ăn trẻ ăn khi sử dụng túi nhai. Khi dùng túi nhai, miệng trẻ không thể tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nên không thể cảm nhận rõ ràng độ cứng/mềm của thức ăn.
Điều này không hề tốt cho sự phát triển xúc giác, vị giác của trẻ. Từ đó, kỹ năng nhai và khả năng nhận biết các loại thức ăn khác nhau của bé cũng không được phát triển.
Ngoài ra, túi nhai ăn dặm không phù hợp với các bé ăn dặm chỉ huy (BLW). Bởi mặc dù con tự cầm túi nhai để nhai thức ăn, nhưng bé hoàn toàn không tự quyết định được mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào.
Chính vì những lý do trên, có thể thấy, túi nhai không phải sự lựa chọn tốt nhất cho bé trong những giai đoạn ăn dặm về sau, khi mà bé cần nhiều kĩ năng nâng cao hơn để phát triển. Vì vậy, ở giai đoạn sau, các mẹ nên ngưng túi nhau sau khi bé đã quen dần với thức ăn thô.
CHA MẸ NÊN CHO BÉ SỬ DỤNG TÚI ĂN DẶM VÀO THỜI GIAN NÀO?
Với thiết kế dạng túi bao gồm nhiều mắt lưới hoặc lỗ nhỏ, túi nhai có thể lọc bỏ lớp xơ của một số loại thực phẩm có xơ cứng, đảm bảo an toàn và chống hóc cho trẻ gần như tuyệt đối, vì vậy túi nhai khá phù hợp với các bé trong giai đoạn 1 tháng đầu của quá trình ăn dặm. Ở giai đoạn này, bố mẹ có thể cho bé sử dụng túi nhai để tập nhai và bắt đầu làm quen với hương vị nhiều loại thức ăn thô mà không lo bé bị hóc.
Bên cạnh đó, túi nhai có thể hỗ trợ bé ăn rất hiệu quả trong thời gian bé mọc răng, sưng nướu. Bố mẹ có thể cho đồ ăn lạnh vào túi để bé nhai, giúp bé bớt khó chịu và làm dịu chỗ sưng.
Tham khảo: Ăn dặm BLW là gì? Lợi ích của ăn dặm tự chỉ huy BLW hiện nay
TÚI NHAI ĂN DẶM PHÙ HỢP VỚI LOẠI THỰC PHẨM NÀO?
Mẹ nên chọn những thực phẩm mọng nước và dễ làm nát, an toàn, sạch sẽ và không chưa bất kỳ chất hóa chất độc hại nào, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở bé.
Thông thường, trái cây được ưu ái vì dễ làm nát, vị thanh ngọt: chuối chín, táo tươi bỏ vỏ cắt miếng, thanh long trắng hoặc đỏ cắt miễng, dưa hấu, nho, cà rốt cắt miếng nhỏ, sữa mẹ đông lạnh, xoài chín,…
Trước khi cho thức ăn vào, bố mẹ nhớ làm sạch dụng cụ nhai ăn dặm, mua thực phẩm hoặc trái cây ở những nơi uy tín để đảm bảo sức khoẻ cho bé.
CÁC TIÊU CHÍ CHỌN TÚI NHAI ĂN DẶM
- Chất liệu: 2 loại là silicon y tế hoặc lưới vải mềm, trong đó, silicon an toàn và chất lượng hơn.
- Thiết kế: Sản phẩm phải chắc chắn để đảm bảo bé không nuốt cả túi nhai vào miệng, phần chốt phải to hơn miệng đảm bảo an toàn cho bé. Mẹ nên chọn túi nhai trong suốt để tránh lẫn với màu thực phẩm.
- Thương hiệu: Mẹ nên chọn mua túi nhai ở những thương hiệu uy tín để yên tâm hơn về sản phẩm, vì túi tiếp xúc trực tiếp với miệng bé.
Trên thực tế, việc bố mẹ dùng hay không dùng túi nhai cho bé không phải là vấn đề mang tính quyết định đến quá trình ăn dặm hay khả năng ăn uống của bé sau này. Điều quan trọng nhất trong quá trình này đó là bố mẹ có thể lựa chọn và áp dụng các phương pháp ăn dặm sao cho phù hợp nhất với thể trạng của bé.