Viêm tủy răng sữa ở trẻ em cần được điều trị kịp thời vì nếu răng sữa bị nhổ sớm sẽ tạo khoảng trống ở khung răng, khiến cung xương hàm kém phát triển, khi đó răng vĩnh viễn sau này sẽ có xu hướng mọc chậm và bị lệch sang phần răng trống. Và nếu không lấy tủy răng sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, xì mủ dưới chân răng, làm ảnh hưởng đến mầm răng bên dưới.
VIÊM TỦY RĂNG Ở TRẺ EM LÀ GÌ?

Tủy răng là một bộ phần nằm trong cùng của răng, bao gồm tủy buồng và hệ thống ống tủy, có chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng.
Bệnh viêm tủy răng sữa hiện nay thường xảy ra rất phổ biến ở lứa tuổi trẻ em do những viêm nhiễm quanh răng gây ra. Bệnh viêm tủy răng diễn biến qua 3 giai đoạn: Viêm tủy có hồi phục, viêm tủy không hồi phục và hoại tử tủy.
Hiểu rõ về bệnh viêm tủy răng ở trẻ em sẽ giúp các bậc cha mẹ có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho trẻ, tránh những biến chứng xấu xảy ra.
Tham khảo thêm: Những loại rau lợi sữa cho mẹ sau sinh nhiều vitamin A và C
TẠI SAO BÉ BỊ VIÊM TỦY RĂNG?
Trẻ bị viêm tủy răng sữa thông thường là do nguyên nhân sâu răng, không được điều trị sớm, tình trạng sâu răng trầm trọng hơn. Lúc đó sẽ biến chứng sang viêm tủy răng, vi khuẩn sâu răng sẽ tấn công vào tủy đi qua ống ngà được gọi là sâu ngà hoặc đi qua lỗ chân răng được gọi là bệnh nha chu.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến bệnh viêm tủy răng sữa ở trẻ em là do chấn thương: Nghĩa là trẻ bị thương gây tổn hại đến răng như gãy răng, vỡ răng hoặc chảy máu chân răng.
ĐIỀU TRỊ TỦY RĂNG SỮA CHO BÉ
Răng sữa có nhiều chức năng rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành răng vĩnh viễn sau này. Viêm tủy không những gây ra đau đớn cho bé mà còn phá hủy răng rất nhanh. Vì vậy, việc chữa tủy răng sữa là điều cần thiết.
Chữa tủy để giữ răng sữa
Việc chữa tủy răng sữa là điều cần thiết để đảm bảo chức năng ăn nhai, phát âm, phát triển xương hàm và nướu răng chuẩn bị nền tảng tốt cho răng vĩnh viễn phát triển khỏe mạnh. Răng sữa chỉ được chỉ định nhổ bỏ khi có những chẩn đoán chuyên môn rõ ràng về việc răng vĩnh viễn sẽ mọc trong vòng 6 tháng.
Tại sao nên chữa tủy răng sữa?
Răng sữa cũng có những chức năng như răng vĩnh viễn của người lớn như thực hiện nhiệm vụ ăn nhai, thẩm mỹ, phát âm…. Khi răng sữa bị sâu, viêm tủy thường thì bệnh lý sẽ tiến triển nhanh hơn so với răng vĩnh viễn. Chính vì vậy, mục đích của việc chữa tủy răng sữa là:
– Khôi phục chức năng ăn nhai cho trẻ.
– Răng hư tổn hay bị mất sẽ ít nhiều gây khó khăn cho trẻ việc ăn nhai. Việc thức ăn không được nghiền nát khiến cho hệ tiêu hóa gặp rắc rối và gây cho trẻ cảm giác chán ăn. Răng khỏe giúp trẻ ăn nhai và phát triển tốt hơn.
– Khắc phục được tình trạng phát âm ngọng nghịu ở trẻ.
– Giúp xương hàm và nướu phát triển khỏe mạnh.
Do đó, dù là răng sữa nhưng nếu có khả năng bảo tồn thì vẫn tốt hơn là việc bị mất răng.
NHỮNG BIỆN PHÁP CHỮA VIÊM TỦY RĂNG SỮA
Tùy vào cấp độ viêm tủy mà việc chữa tủy răng sữa có các loại sau:
– Che tủy gián tiếp và trám răng: Được chỉ định cho các trường hợp lỗ sâu sát tủy. Calcium Hydroxide sẽ được đặt lên phần ngà mềm, sau đó đặt Eugenate trong vòng ít nhất 6 tuần. Và cuối cùng răng sữa được trám lại bằng GIC.
– Lấy tủy buồng và trám răng: Được chỉ định cho những trường hợp tủy buồng bị viêm còn tủy ở phần chân răng vẫn khỏe. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy đi phần tủy bị nhiễm trùng và bảo tồn phần tủy chân răng chưa nhiễm trùng. Sau đó dùng Formocresol đặt ở đầu ống tủy, trám lại bằng Eugenate và cuối cùng là trám lại bằng GIC.
– Lấy tủy toàn phần: Được chỉ định cho các trường hợp răng có triệu chứng viêm tủy mãn tính hoặc tủy răng bị hoại tử (đau răng tự phát, đau về đêm, sưng, lung lay, có mủ ở khe nướu). Toàn bộ phần tủy răng sẽ được lấy đi, sau đó trám bít các ống tủy chân răng bằng Reinforced zinc oxide và eugenol. Cuối cùng trám lại bằng GIC
Với trẻ nhỏ, việc điều trị tủy răng là một vấn đề khó khăn và thử thách cho các bác sĩ, vì các bé thường sợ đau và bất hợp tác với bác sĩ. Do đó, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ và chọn một trung tâm nha khoa chuyên điều trị về răng trẻ em.
PHÒNG NGỪA VIÊM TỦY RĂNG SỮA Ở TRẺ EM

– Phải giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ sau các bữa ăn và chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách.
– Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn có nhiều đường như: Bánh kẹo, nước ngọt và tránh xa các loại thức ăn mềm có tính dính cao như: Kẹo dẻo, nho khô, trái cây sấy…Những loại thức ăn này làm cho vi khuẩn hoạt động mạnh tiết ra nhiều acid có hại cho răng.
– Tạo cho trẻ thói quen dùng chỉ tơ nha khoa. Dùng chỉ nha khoa giúp bạn loại bỏ các vi khuẩn phát triển giữa các răng. Đánh răng không chưa đủ hiệu quả, nên dùng chỉ nha khoa hai lần một ngày.
– Cho trẻ súc miệng bằng nước diệt khuẩn sau khi đánh răng một hoặc hai lần mỗi ngày để loại trừ các mảng bám trên bề mặt răng.
– Các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm và điều trị sớm các răng bị sâu của trẻ, như vậy sẽ làm giảm bớt nguy cơ viêm tủy răng sữa.
– Nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm. Không nên chờ đến khi răng bị viêm tủy hay đau răng mới đến nha khoa.
CẦN CHÚ Ý GÌ SAU KHI LẤY TỦY RĂNG CHO BÉ??
– Sau khi điều trị viêm tủy răng sữa, nhắc nhở bé không nên cắn hay nhai bằng cái răng được điều trị tủy cho đến khi nó được bọc lại bằng chụp răng. Răng đã được chữa tủy sẽ dễ gãy hơn. Do đó, cần phải được làm chụp bọc sớm nhất có thể cho trẻ.
– Giúp bé thực hiện việc vệ sinh răng miệng thường xuyên. Vì sau khi lấy tủy bé sẽ cảm thấy ê buốt và lười đánh răng.
– Nên chú ý chế độ ăn cho trẻ, tránh các đồ ăn quá nóng và quá lạnh, tránh đồ ăn cứng, quá chua hoặc quá cay, mặn, ngọt…
Viêm tủy răng sữa cần được điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này của trẻ. Hy vọng qua bài viết, https://monmom.vn/ đã giúp cha mẹ có kiến thức đầy đủ để chăm sóc con yêu nhé.